Vì sao Uber phải rời khỏi Việt Nam, có phải theo “lệnh” của nhà đầu tư lớn nhất SoftBank?
Ai cũng biết SoftBank đã chính thức trở thành nhà đầu tư lớn nhất của Uber và để tránh cạnh tranh với những đối tác mà SoftBank rót tiền vào, SoftBank đã nhiều lần yêu cầu Uber ra khỏi thị trường châu Á, mà tập trung vào Mỹ, châu Âu…
Ngày 18/1 vừa qua, Uber đã chính thức nhận được khoản đầu tư “khủng” 9,3 tỷ USD từ SoftBank, đưa SoftBank trở thành nhà đầu tư lớn nhất của Uber. Và theo Business Insider, SoftBank bắt đầu phát huy sức mạnh của nhà đầu tư lớn nhất.
Rajeev Misra, thành viên Ban giám đốc mới của Uber, và là người của SoftBank, tuần qua đã nói rằng Uber sẽ thu được lợi nhuận nhanh hơn nếu rời bỏ một số thị trường quốc tế, và tập trung vào các thị trường khác. Cụ thể, ông muốn Uber tập trung vào phát triển tại các thị trường như Mỹ, châu Âu, Mỹ latin và Australia.
Thị trường mà thành viên Ban giám đốc mới của Uber không đề cập ưu tiên phát triển là gì? Đó chính là châu Á.
Ngay cả khi Uber vốn đã rút khỏi những thị trường lớn và đông dân như Trung Quốc hay Nga thì việc từ bỏ các thị trường còn lại ở châu Á vẫn là bước chuyển lớn của Uber. Quan trọng hơn, dưới thời CEO mới là Dara Khosrowshahi, Uber đã ký kết một số hợp tác đối tác với các công ty taxi, từng là kẻ thù “không đội trời chung” với Uber. Ngay cả tại Ấn Độ, nơi Uber đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt và có bước khởi đầu khó khăn, như những vụ cưỡng hiếp hành khách khiến Uber từng tạm thời bị đóng cửa tại Ấn Độ, công ty cũng tuyên bố có lợi nhuận vào cuối năm 2016, chiếm 40% thị phần.
Vậy Misra muốn gì?
Ý nghĩ đầu tiên đó là Uber rút khỏi các thị trường châu Á sẽ tốt cho SoftBank. Bởi vì, SoftBank cũng đầu tư rất mạnh vào các đối thủ của Uber ở châu Á.
Để nhắc lại, năm 2017, SoftBank, công ty có trụ sở tại Nhật, đã vượt qua giới hạn của một hãng viễn thông và Internet, trở thành một trong những nhà đầu tư mạnh nhất và có lẽ là đáng sợ nhất, vào công nghệ khi hãng gây được quỹ đầu tư trị giá tới 100 tỷ USD. Cũng như thương vụ với Uber, SoftBank đã rót tiền khổng lồ vào nhiều công ty khác. Trước khi rót tiền vào Uber, SoftBank đã là nhà đầu tư của một số đối thủ cứng cựa của Uber, bao gồm Didi Chuxing ở Trung Quốc, 99 ở Brazil và Ola ở Ấn Độ. Đặc biệt, điều đáng nói là SoftBank cũng có cổ phần lớn trong hãng đi chung xe Grab – dịch vụ vận chuyển đang hoạt động mạnh ở các thị trường châu Á như Malaysia, Indonesia, Phillipines, Thái Lan, Myanmar, Cambodia và Việt Nam.
Vì thế, trong ngày đầu tiên với mối quan hệ hợp tác mới, SoftBank đã bóng gió muốn lái Uber ra khỏi những thị trường mà các công ty trên đang cạnh tranh. Bởi vì, điều đó sẽ chia cắt thị trường đi chung xe và ảnh hưởng đến nhu cầu lợi ích của SoftBank, ngay cả khi điều đó không phù hợp với tham vọng toàn cầu của Uber.
(Theo genk.vn)