Google Photos chia sẻ nhiều video riêng tư của một số người dùng cho người lạ
Đến thời điểm này, dường như chỉ video là bị ảnh hưởng bởi lỗ hổng kỳ lạ này, còn ảnh của người dùng vẫn bình yên vô sự.
Google mới đây đã gửi thông báo đến một số người dùng Google Photos, nội dung cho biết một số video được lưu trữ trên dịch vụ này nhiều khả năng đã bị xuất đến kho lưu trữ của nhiều người dùng ngẫu nhiên không rõ tên tuổi.
“Không may là trong khoảng thời gian này, một số video trên Google Photos đã bị xuất sai sang kho lưu trữ của những người dùng không liên quan. Một hoặc nhiều video trong tài khoản Google Photos của bạn đã bị ảnh hưởng bởi sự cố này”
Những người từng sử dụng dịch vụ “Download your data” của Google dành cho Google Photos từ giữa 21/11 đến 25/11 năm ngoái có thể phát hiện ra tập tin dữ liệu đã xuất ra của họ không hoàn chỉnh, và có thể chứa các video của những người dùng khác. Google hiện đang thông báo cho những người dùng bị ảnh hưởng, và chưa rõ có bao nhiêu người đã trở thành nạn nhân của sơ suất nói trên.
Đoạn thông báo mà bạn thấy ở trên được chụp lại bởi người dùng Twitter Jon Oberheide, đồng sáng lập của Duo Security, vào ngày 3/2. Tại thời điểm đó, không rõ có bao nhiêu người dùng đã bị ảnh hưởng.
Google cho biết trong khoảng thời gian 5 ngày (từ 21-25/11), một sự cố kỹ thuật đã xảy ra khiến video của người dùng có khả năng bị xuất sang kho lưu trữ của những người không liên quan. Tuy nhiên hãng trấn an người dùng rằng sự cố đã được khắc phục, và mọi người nên xóa các tập tin đã xuất ra trước đó và thực hiện thao tác xuất tập tin mới ngay khi có thể.
Có khả năng các video của một người dùng đã bị chia sẻ cho một lượng chưa rõ những người dùng khác, và hãng lẫn người dùng đều không thể biết chắc những video nào nằm trong số bị chia sẻ đó. Google chỉ đề cập đến “video”, do đó có thể đoán rằng các tập tin ảnh xuất ra nhiều khả năng không bị ảnh hưởng.
Xem thêm: Cách tải video facebook trên điện thoại Android đơn giản nhất
Thời gian qua, Google đã vướng vào khá nhiều vụ scandal bảo mật. Vào cuối năm 2019, một tổ chức nghiên cứu bảo mật của Đức đã đặt 8 con “gián điệp thông minh” vào các cửa hàng ứng dụng của cả Amazon Alexa và Google Home để chứng minh rằng nghe lén và lừa đảo có thể được dễ dàng thực hiện thông qua các loại loa thông minh.
Chưa hết, mới đây, người ta còn phát hiện ra rằng Avast, một công cụ antivirus phổ biến cho cả PC và Mac, đang thu thập dữ liệu người dùng và bán chúng trực tiếp cho Google và Microsoft.
(Tham khảo: AppleInsider)