FTC yêu cầu các công ty công nghệ bỏ nhãn dán “miễn bảo hành nếu thay thế linh kiện”
Nhãn dán “Warranty Void if Removed” thường được các công ty công nghệ sử dụng để ngăn chặn người dùng thay thế linh kiện của các hãng thứ 3.
Hầu hết các công ty công nghệ tại Mỹ đều sử dụng một loại nhãn dán là “Warranty Void if Removed”. Nhãn dán này nhằm đảm bảo việc người dùng sẽ không thay thế linh kiện của hãng thứ 3 trong quá trình sử dụng. Nếu linh kiện bị thay thế, đồng nghĩa với nhãn dán này bị loại bỏ và cũng đồng nghĩa với việc sẽ không được nhận chính sách bảo hành.
Tuy nhiên mới đây, Ủy ban Thương mại Liên Bang Mỹ FTC đang kêu gọi các công ty công nghệ loại bỏ nhãn dán này. FTC cũng cho rằng chính sách miễn bảo hành nếu người dùng thay thế linh kiện của hãng thứ 3 là vô lý và không thể chấp nhận được.
Cơ quan này đã gửi thông báo tới 6 công ty công nghệ lớn. Mặc dù không được tiết lộ tên của các công ty, FTC cho biết các công ty này thuộc lĩnh vực sản xuất ô tô, thiết bị di động và máy chơi game.
Theo báo cáo của Gizmodo, Microsoft và Sony là hai trong số 6 công ty nhận được thông báo của FTC. Cả hai công ty này đều sử dụng nhãn dán cảnh báo trên các hệ máy Xbox One và Playstation 4, người sử dụng sẽ không nhận được bảo hành chính hãng nếu mở vỏ máy.
FTC cho rằng quy định ngớ ngẩn này của các công ty công nghệ làm hạn chế quyền của người dùng đối với thiết bị mà họ đã sở hữu. Nó bắt buộc người dùng phải sửa chữa và thay thế linh kiện tại các cơ sở chính hãng, mà không được sử dụng dịch vụ sửa chữa của các bên thứ 3.
Trước đây, Apple cũng đã từng bị chỉ trích rất nhiều vì điều này. Sau đó, Apple đã phải mở rộng quy định của mình, cho phép người dùng thay thế màn hình cảm ứng của iPhone từ các hãng thứ 3.
Giám đốc Cục Bảo vệ người tiêu dùng tại FTC, ông Thomas B. Pahl cho biết: “Các điều khoản bảo hành của các công ty công nghệ dẫn tới việc người sử dụng phải bỏ ra chi phí cao hơn để sửa chữa thiết bị và thay thế linh kiện, mà không có sự lựa chọn nào khác. Nó cũng khiến các công ty khác khó cạnh tranh hơn”.
(Tham khảo: Gizmodo)