Facebook lấy dữ liệu cá nhân người dùng như thế nào?
Ngay từ các bước đăng ký đầu tiên, người dùng Facebook đã phải cung cấp không ít thông tin cá nhân của mình cho mạng xã hội này quản lý.
Đăng ký thông tin tài khoản mới
Với chính sách yêu cầu khai báo thông tin định danh thực (sử dụng tên thật trên các giấy tờ tùy thân hợp pháp), ngay từ bước đăng ký tài khoản đầu tiên, người dùng đã phải công khai danh tính của mình trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, địa chỉ email và số điện thoại của người dùng cũng được thu thập. Đây là các thông tin cơ bản nhất của một cá nhân trên môi trường internet và có thể sử dụng cho các mục đích khác nhau.
|
Quyền truy cập trên thiết bị di động
Thiết bị di động cá nhân đang là vật bất ly thân của nhiều người và với những người cài đặt ứng dụng Facebook trên máy, phần mềm này sẽ yêu cầu nhiều quyền truy cập khác nhau để hoạt động. Trong đó, người dùng sẽ phải cho phép ứng dụng truy cập vào danh bạ, tính năng gọi, microphone, định vị vị trí, camera… Việc này cho phép mạng xã hội nắm được rất nhiều thông tin quan trọng
|
Các dữ liệu từ hoạt động
Mọi hoạt động của người dùng trên Facebook đều được ghi dấu cụ thể, dù đó chỉ là một lần “like dạo” hay bình luận vu vơ trên hội, nhóm, hình ảnh xuất hiện trên News Feed… Các thông tin này sẽ “dẫn đường” để Facebook nắm được sở thích của người dùng, những gì bạn thích, biết được những người, hội nhóm mà bạn hay tương tác để từ đó hoàn thiện hóa việc hiển thị quảng cáo đúng mối quan tâm.
|
Ứng dụng từ các bên thứ ba
Các bên thứ ba (công ty không thuộc Facebook) thường tung các ứng dụng lên nền tảng này để người dùng tương tác tốt hơn. Đổi lại, người dùng sẽ phải cho phép phần mềm truy cập vào các thông tin cá nhân.
Các thông tin này sẽ được Facebook chia sẻ với công ty sở hữu ứng dụng theo điều khoản quy định dưới sự cho phép của người dùng, dù hành động cho phép đó đa phần diễn ra trong hoàn cảnh người dùng ý thức chưa đầy đủ sự nghiêm trọng của thông tin cá nhân mà mình cung cấp.
|
Ngoài ra, khi người dùng sử dụng tài khoản Facebook để đăng nhập một ứng dụng nào đó (ví dụ trang/phần mềm thương mại điện tử, các ứng dụng có yêu cầu làm thành viên…), mạng xã hội sẽ học được thói quen và mối quan tâm của người dùng để tối ưu hóa quảng cáo hiển thị trên nền tảng của mình.
Dữ liệu đệm, lịch sử truy cập từ trình duyệt
Cache (dữ liệu đệm) và lịch sử truy cập thông tin trên các trình duyệt sẽ được sử dụng nếu người dùng đăng nhập Facebook trên chính trình duyệt đó. Ví dụ, nếu bạn mở trình duyệt, vào trang tìm kiếm Google để tìm sản phẩm mũ bảo hiểm, sau đó đăng nhập Facebook thì các quảng cáo về sản phẩm này sẽ bắt đầu hiển thị trên màn hình.
Đây có thể xem là một trong những nguồn dữ liệu dồi dào để Facebook cũng như Google có được thói quen sử dụng, tìm kiếm của người dùng để phục vụ cho các quảng cáo của mình.
(Theo thanhnien)