Đã đến lúc nói không với iPhone khóa mạng
“Ngon, bổ, rẻ” là cụm từ nhiều người từng dùng để nói về iPhone khóa mạng. Giờ đây, nó không còn đúng nữa.
Tích góp nửa năm, Trần Thịnh mới mua được một chiếc iPhone 7 Plus màu đỏ bản khóa mạng hôm 13/3. Ngay tối hôm đó, Thịnh nghe tin Apple đã chặn SIM ghép “thần thánh” thế hệ thứ 6. “Không cập nhật phần mềm, không khôi phục cài đặt gốc, không thay SIM. Em hiểu việc mua máy lock là sống chung với lũ nhưng giờ vẫn thấy lo sợ. Bỏ ra hơn chục triệu đồng và giờ sử dụng máy trong tình trạng không thoải mái tẹo nào”, Thịnh chia sẻ.
“iPhone khóa mạng hiện chiếm khoảng 10% doanh số smartphone bán ra. Chúng tôi đã nghĩ đến chuyện bỏ mẫu nhưng vẫn có khách quan tâm nên giữ lại”, anh Trí, đại diện một hệ thống bán lẻ với khoảng 10 cửa hàng nói.
Đã đến lúc người dùng nói không với iPhone lock, SIM ghép.
Với một hệ thống chuyên kinh doanh iPhone như của Tuấn Anh (Hà Nội), iPhone lock từng có thời điểm chiếm 60% doanh số. Hiện tại, con số này là 30%.
“Khi một thứ gì đó không còn hữu ích, quá luẩn quẩn, đôi khi gây khó chịu thì tốt nhất nên từ bỏ. iPhone lock cũng như vậy”, anh Trí chia sẻ.
Bản thân tôi từng dùng một chiếc iPhone SE khóa mạng thời mà chiếc SIM ghép “thần thánh” thế hệ đầu còn tung hoành trên thị trường. Khi đó, các cửa hàng quảng cáo về một mẫu SIM ghép có thể biến iPhone lock thành quốc tế thật sự. Chỉ cần lắp SIM, khởi động lại và máy tự động nhận sóng, không lỗi danh bạ, không FaceTime, iMessage… Tất cả đều được khắc phục hoàn toàn.
Quả thật, dùng một chiếc iPhone lock với SIM ghép thần thánh thời điểm đó không khác gì máy quốc tế. Thế rồi, Apple tiến hành chặn SIM ghép thần thánh, không phải một lần mà đến 6 lần trong chưa đến 6 tháng qua.
Điệp khúc Apple chặn, nhà sản xuất SIM ghép phát hành mã ICCID mới được lặp đi lặp lại đến mức khiến các cửa hàng vô cùng mệt mỏi. Trong thời gian này, ngoài việc hỗ trợ về thiết bị, họ còn phải hỗ trợ nâng cấp SIM ghép, thứ họ bán ra với lợi nhuận không đáng bao nhiêu.
Người dùng iPhone lock giờ đây phải đứng trước một số lựa chọn sau đây. Thứ nhất, dùng SIM 3G, SIM ghép loại cũ để sử dụng một cách bình thường (có thể restore, thay SIM) nhưng chịu các lỗi như danh bạ, iMessage, FaceTime. Với cách này, họ không được phép sử dụng SIM 4G.
Thứ 2, những người đang sử dụng SIM 4G cùng SIM ghép thần thánh sẽ chấp nhận dùng máy mà không được phép thay phôi SIM hoặc khôi phục cài đặt gốc của máy. Nếu muốn, họ chỉ có thể chờ đúng thời điểm SIM ghép phiên bản mới ra, mua về (hoặc nâng cấp mã ICCID) và thay SIM hoặc restore máy ngay, trước khi Apple tiếp tục chặn lại.
Tất nhiên, vẫn còn cách thứ 3 là bỏ một số tiền mua code để lên máy quốc tế. Dịch vụ này hiện cũng khá phổ biến tại Việt Nam, nhất là sau khi iPhone khóa mạng liên tục bị Apple chặn SIM ghép.
Những chiếc iPhone bản quốc tế có giá bán chênh khoảng 1-3 triệu đồng so với máy lock, tùy phiên bản.
Khi mà cả người bán, người mua đều tỏ ra mệt mỏi, dần mất niềm tin về một dòng sản phẩm thì có lẽ, đã đến lúc chúng ta nên nói không với iPhone lock. Yếu tố “rẻ” trên sản phẩm này hiện không đánh đổi lấy sự “ngon, bổ” mà là sự phức tạp và cảm giác thiếu tin tưởng khi sử dụng.
Lý do quan trọng nhất: iPhone lock chỉ sử dụng được cùng với SIM ghép, thứ được coi là công cụ “đánh lừa” Apple cho phép sử dụng. Giờ đã là năm 2018. Nếu như chúng ta – những người dùng văn minh – kêu gọi bạn bè, người thân nói không với phần mềm lậu, ứng dụng chùa thì việc dùng iPhone khóa mạng đi ngược hoàn toàn với những lời kêu gọi đó.
(Theo Zing)