Bùng nổ smartphone màn hình tràn và Xu hướng mới của smartphone
Màn hình tràn cạnh không phải là một định nghĩa lạ lẫm đối với các bạn rành công nghệ vì công nghệ này đã có từ cách đây hơn 3 năm. Ở thời điểm đó số lượng smartphone sở hữu loại màn hình này chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Màn hình tràn cạnh bắt đầu xuất hiện từ năm 2014, sản phẩm được nhiều người dùng Việt biết đến nhất vào khoảng thời gian đó chính là Sky Vega Iron với viền màn hình ở hai cạnh gần như không có.
Sau đó không lâu, Sharp tiếp tục làm thế giới công nghệ phải chú ý đến khi họ giới thiệu mẫu Aquos Crystal với màn hình gần như tràn ra hết cả 3 viền, chỉ chừa lại phần cạnh dưới để đặt bộ cảm biến, camera selfie.
Lúc những chiếc smartphone này được giới thiệu, nhiều người không tin rằng màn hình tràn cạnh sẽ trở thành xu hướng vì nó trông khá “dị” so với những chiếc flagship ở thời điểm đó như iPhone 6 hay Galaxy S5.
Nhưng đến năm 2017, hàng loạt các hãng smartphone đã thay nhau cho ra mắt những chiếc smartphone có màn hình tràn, từ Apple, Samsung cho đến HTC, LG hay OPPO lẫn Vivo cũng đã lần lượt giới thiệu những chiếc smartphone màn hình tràn đầu tiên của mình.
Trong đó có những sản phẩm đã được người dùng đón nhận rất nồng nhiệt như: iPhone X, Galaxy Note 8, Nova 2i, Vivo V7 hay OPPO F5. Vậy tại sao sau 3 năm, màn hình tràn mới được phổ biến?
Người dùng giờ đây mới thấy được lợi ích của màn hình tràn
Trường hợp của màn hình tràn cạnh khá giống với camera kép, tức khi chúng ta nhận ra được những lợi ích mà camera kép mang lại, lúc này người dùng mới có xu hướng tìm mua các sản phẩm có camera kép, qua đó giúp công nghệ này được bùng nổ.
Màn hình tràn cạnh cũng thế. Với việc chúng ta đã nhận ra được những lợi điểm mà màn hình tràn cạnh mang lại như màn hình lớn hơn để nâng cao trải nghiệm về phần nhìn, mặt trước của máy trông khác biệt hơn khi so với các mẫu smartphone khác đã giúp xu hướng này được bùng nổ. Qua đó các hãng phải đáp ứng theo để chiều lòng người dùng.
Màn hình cong không phải là giải pháp tối ưu
Những tưởng màn hình cong về hai cạnh sẽ giúp tối ưu hóa diện tích hiển thị. Nhưng theo mình màn hình cong chỉ mang tính thẩm mỹ, trong khi giá thành sản xuất lại cao và khả năng khi rơi rớt, nó sẽ dễ vỡ hơn màn hình thông thường hay màn hình được làm cong 2.5D. Khi xem phim phần cong cũng làm ta cảm thấy hơi khó chịu vì có cảm giác hình ảnh như bị bẻ cong.
Vì vậy với màn hình tràn cạnh, được kéo dài ra theo tỉ lệ 18:9 sẽ giúp smartphone có màn hình hiển thị lớn hơn trong khi kích thước tổng thể lại không thay đổi. Bên cạnh đó việc không làm cong hai cạnh sẽ giúp máy bền bỉ hơn và chi phí sản xuất cũng dễ chịu hơn.
Minh chứng cho việc này chính là chiếc Mate 9 Pro có màn hình cong nhưng tới Mate 10 Pro, Huawei lại áp dụng màn hình tràn cạnh tỉ lệ 18:9 chứ không phải cong tràn cạnh cho chiếc flagship của họ.
Xu hướng cho năm 2018: Vẫn sẽ là màn hình tràn cạnh
Khi các công nghệ tân tiến hơn như trí tuệ nhân tạo, màn hình gập,… vẫn còn cần thời gian để hoàn thiện, màn hình tràn cạnh vẫn sẽ là “át chủ bài” của nhiều hãng smartphone trong việc chinh phục người dùng vì xu hướng này vẫn còn mới mẻ với số đông khách hàng phổ thông.
Bên cạnh đó ở phân khúc tầm trung của một số hãng như Samsung hay Xiaomi vẫn chưa xuất hiện smartphone màn hình tràn nên các hãng phải nhanh chóng mang công nghệ này đến cho các phân khúc khác để thu hút thêm được người dùng trong thời gian sắp tới.