Night Mode là gì? Nó giúp ích như thế nào khi chụp hình?
Trên những chiếc smartphone mới nhất hiện nay thường có sự xuất hiện của những chế độ chụp ảnh như “Night Mode”, “Night Sight”, “Bright Night” hoặc các tên gọi tương tự. Chế độ này sẽ giúp điện thoại chụp tốt hơn vào ban đêm hoặc trong điều kiện thiếu sáng. Vậy các chế độ này hoạt động ra sao?
Chụp ảnh trong điều kiện ánh sáng yếu gặp phải những vấn đề gì?
Chụp ảnh trong điều kiện ánh sáng yếu luôn là một thách thức kể từ khi máy ảnh ra đời, đơn giản vì máy ảnh hoạt động dựa trên ánh sáng. Tuy hiện nay công nghệ đã phát triển nhưng vẫn có những mặt hạn chế nhất định. Trước hết hãy đến với những thông số cơ bản sau:
- ISO: Thể hiện độ nhạy sáng. Chỉ số ISO càng cao tức ảnh chụp càng nhạy với ánh sáng, giúp phơi sáng hình ảnh nhanh hơn. Tuy nhiên, tăng chỉ số ISO sẽ tạo ra độ nhiễu lớn hơn.
- Tốc độ màn trập: Thể hiện thời gian cảm biến tiếp xúc với ánh sáng. Giảm tốc độ màn trập có thể giúp hình ảnh trở nên sắc nét hơn. Kéo dài tốc độ màn trập sẽ giúp chụp hình ảnh chuyển động.
Một cảm biến có kích thước lớn có thể xử lý mức độ ISO cao hơn và ít nhiễu kỹ thuật số. Hầu hết các cảm biến trong smartphone hiện nay là 1/1.7 inch hoặc 1/2.3 inch. Vậy tại sao lại không sử dụng cảm biến kích thước lớn để camera trở nên tốt hơn?
Lý do là vì kích thước camera cũng là một yếu tố quan trọng trong smartphone hiện nay. Mặc dù được tích hợp rất nhiều công nghệ camera hiện đại nhưng không gian bên trong điện thoại lại rất hạn chế. Do đó rất khó để đặt một cảm biến kích thước lớn vào mặt sau điện thoại.
Điều này có nghĩa là các nhà sản xuất sẽ phải cải thiện chất lượng hình ảnh chụp được trong điều kiện thiếu sáng mà vẫn giữ kích thước của cảm biến ở mức nhỏ. Phương pháp tốt nhất để thực hiện được việc này là sử dụng phần mềm.
Xử lý hậu kỳ có thể tăng phơi sáng, điều chỉnh cân bằng trắng, mức độ màu sắc và nhiều hơn vậy. Tuy nhiên, tất cả những thay đổi này đều có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh. Vậy nên Google và các nhà sản xuất khác chọn cách hỗ trợ người dùng bằng những kỹ thuật được biết đến với tên gọi “Night Sight” hoặc “Night Mode” (chế độ chụp đêm).
Xem thêm: Night Mode trên iPhone 11 là gì? Điểm khác nhau giữ Night Mode và Night Sight
Phương pháp hoạt động của chế độ Night Mode
Về cơ bản, các chế độ này hoạt động tương tự chế độ HDR. Dưới đây là một số khái niệm cơ bản để giúp bạn hiểu rõ hơn:
- HDR: là cụm từ viết tắt của High Dynamic Range – Dải tương phản động cao. Đây là kỹ thuật sử dụng để cân bằng ánh sáng trên toàn bộ hình ảnh. HDR được thực hiện bằng cách chụp nhiều hình ảnh ở mức độ phơi sáng khác nhau (thường chỉ thay đổi tốc độ màn trập). Những hình ảnh sau đó sẽ được ghép lại để mang đến nhiều chi tiết hơn.
- Bracketing: là kỹ thuật chụp cùng một hình ảnh với các tùy chỉnh khác nhau, sau đó kết hợp các hình ảnh này bằng cách sử dụng phần mềm chuyên dụng. Night Mode của Android (hoặc bất cứ tên gọi nào khác của nhà sản xuất) sử dụng AI để phân tích cảnh người dùng muốn chụp. Điện thoại sẽ tính toán những yếu tố như ánh sáng, chuyển động của điện thoại và chuyển động của đối tượng chụp. Sau đó, nó sẽ chụp một loạt các hình ảnh ở mức độ phơi sáng khác nhau và sử dụng Bracketing để kết hợp chúng lại, cho ra hình ảnh cuối cùng với nhiều chi tiết nhất.
Điện thoại thực hiện cân bằng trắng, điều chỉnh màu sắc và các yếu tố khác bằng những thuật toán lạ và cũng không dễ hiểu. Các nhà sản xuất khác nhau có thể sử dụng những kỹ thuật hơi khác nhau nhưng tổng thể quá trình thì tương tự.
Xem thêm: IPhone 2020 Sẽ Sử Dụng Chip TSMC 5nm
Giá trị của Night Mode
Thay vì phải tăng độ nhạy sáng ISO khiến hình ảnh trở nên quá tối hoặc quá nhiễu, hay chụp ảnh phơi sáng dài đòi hỏi người dùng phải giữ điện thoại ổn định trong một khoảng thời gian (bằng cách sử dụng giá đỡ), thì Night Mode kết hợp cả hai điều này. Người dùng chỉ cần giữ điện thoại trong vài giây và phần mềm sẽ lo mọi chuyện còn lại.
Mặt hạn chế của Night Mode
Như những chế độ khác trong nhiếp ảnh, Night Mode cũng có mặt hạn chế riêng. Trong đó, nhược điểm lớn nhất chính là việc không hoạt động quá tốt với các đối tượng chuyển động. Vì chế độ này đòi hỏi phải chụp nhiều lần nên đối tượng di chuyển sẽ bị mờ hoặc bị xóa hoàn toàn. Do đó Night Mode hoạt động tốt nhất với những hình ảnh tĩnh. Ngoài ra, chụp Night Mode cũng mất nhiều thời gian hơn.
Những điện thoại có Night Mode
Night Mode xuất hiện trên hầu hết những chiếc điện thoại flagship hiện nay với nhiều tên gọi khác nhau như Night Sight của Google Pixel 3/Pixel 3 XL, Huawei P30 Pro, Bright Night của Samsung Galaxy S10/S10+ hoặc Nightscape OnePlus 6T.
Bên cạnh đó, chế độ này cũng đã được xuất hiện trên những chiếc điện thoại phân khúc giá rẻ như Realme 2 Pro hay Honor 10 Lite, nên người dùng không cần tốn quá nhiều chi phí vẫn có thể sở hữu được một chiếc điện thoại có chế độ chụp đêm tốt.
(Nguồn: AndroidAuthority)