Những tính năng mới phải có trên tivi 4k hiện nay
Tuy những tính năng này có thể khiến bạn phải tốn kém hơn một chút, nhưng những gì mà chúng mang lại thực sự “đáng từng đồng”.
Dù bạn có muốn hay không, kỷ nguyên của TV 4K cũng đã tới. Không cần biết số tiền bạn bỏ ra là bao nhiêu, chiếc TV 4K mà bạn vừa mua được chắc chắn sẽ trông lộng lẫy hơn rất nhiều so với chiếc TV độ phân giải HD mà bạn vừa cho “yên nghỉ”. Tuy nhiên, không phải chiếc TV 4K nào cũng như nhau và đây là một số tính năng mà bạn nên cân nhắc khi lựa chọn để có được trải nghiệm giải trí tốt nhất với chất lượng hình ảnh tốt nhất, theo tư vấn của trang Howtogeek.
Công nghệ HDR để có màu sắc rực rỡ hơn
HDR (viết tắt của High Dynamic Range) được cho là một sự đột phá thậm chí còn quan trọng hơn cả chính công nghệ 4K. Màn hình 4K có nhiều điểm ảnh hơn, nhưng HDR là thứ cho phép các điểm ảnh đó được hiển thị ở các dải màu và dải độ sáng cao hơn. Tùy thuộc vào khoảng cách mà bạn ngồi xem TV, đơn giản chỉ nâng cấp lên 4K có thể sẽ không tạo ra nhiều sự thay đổi, nhưng HDR có thể mang lại một trải nghiệm hoàn toàn mới.
Hiện nay trên thị trường có một vài loại HDR khác nhau, nhưng dù đó là loại nào thì cũng sẽ tốt hơn là không có. Điều quan trọng nhất mà bạn cần lưu ý là công nghệ HDR10 hoàn toàn miễn phí và hầu như mọi TV 4K ngày nay đều hỗ trợ. Mặt khác, Dolby Vision có khả năng mang lại hình ảnh có chất lượng tốt hơn, nhưng các nhà sản xuất phải trả phí để tích hợp công nghệ này vào sản phẩm của mình, khiến giá của chiếc TV bị đẩy lên cao hơn.
Ngoài ra, những nội dung mà bạn xem trên TV phải được thiết kế hỗ trợ Dolby Vision, nếu không bạn sẽ bỏ ra số tiền lớn mà không tận dụng được sức mạnh của nó. Nói chung, nếu bạn có ngân sách eo hẹp nhưng vẫn muốn trải nghiệm 4K, Dolby Vision có lẽ không dành cho bạn, nhưng chừng nào chiếc TV của bạn hỗ trợ bất kỳ loại HDR nào khác, bạn cũng có thể an tâm rằng chất lượng hình ảnh đã được cải thiện.
Hỗ trợ tính năng làm tối cục bộ để có màu đen sâu hơn
Nếu bạn xác định “tiền bạc không quan trọng”, TV với màn hình OLED chính là thứ bạn cần. Kiểu màn hình này làm sáng từng điểm ảnh riêng biệt nên màu đen sẽ thực sự là màu đen. Ngược lại, các TV LCD sử dụng đèn nền LED chiếu qua một bộ lọc, nên màu đen thực sự là “màu gần với màu đen nhất có thể”. Trừ khi TV của bạn hỗ trợ tính năng làm tối cục bộ (local dimming).
Làm tối cục bộ là một tính năng cho phép TV thay đổi độ đồng nhất của đèn nền LED, giúp tăng độ tương phản của hình ảnh hiển thị. Ví dụ, ở bức ảnh The Eye of Sauron (Con mắt của Sauron) ở trên, các đèn LED phía sau con mắt sẽ sáng hơn, trong khi đèn LED phía sau những ngọn núi trong bóng tối sẽ tối hơn. Điều này sẽ giúp con mắt trở nên nổi bật, trong khi các vùng bóng tối trở nên huyền ảo hơn. Tất nhiên, tính năng này không thể mang lại trải nghiệm giống hệt như màn hình OLED, nhưng chắc chắn chất lượng hình ảnh sẽ tốt hơn rất nhiều so với những chiếc TV sử dụng tấm nền sáng đồng đều.
Chất lượng “upscale” tốt
Một chiếc TV 4K có thể hiển thị các nội dung vốn được dành cho màn hình 1080p bằng một quá trình được gọi là “upscale”. Quá trình này sẽ kéo giãn các hình ảnh có độ phân giải thấp sao cho phù hợp với màn hình có độ phân giải cao hơn, sau đó sử dụng các thuật toán phức tạp để lấp đầy các chỗ trống. Điều này tuy không tốt bằng việc xem các nội dung được thiết kế riêng cho màn hình hiển thị độ phân giải cao nhưng một chiếc TV có khả năng “upscale” tốt sẽ khiến những bộ phim cũ mà bạn yêu thích trở nên bớt tồi tệ hơn.
Việc tìm hiểu xem chiếc TV thực hiện upscale tốt như thế nào là rất khó, khi các cửa hàng luôn hiển thị các nội dung tốt nhất, đẹp nhất, thay vì những thứ mà bạn sẽ thực sự xem khi sử dụng. May mắn thay, ngay cả khi bạn mua phải một sản phẩm upscale “chưa chuẩn”, bạn vẫn có thể mua các đầu phát Blu-ray 4K có khả năng upscale vượt trội.
Tần số quét 120Hz để các chuyển động mượt mà
Tất cả các bộ phim hay chương trình truyền hình đều là một loạt các hình ảnh tĩnh được phát với tốc độ nhanh trên màn hình. Một số nội dung chiếu với tốc độ cao hơn những nội dung khác, và để đảm bảo chuyển động trên màn hình ở mức mượt nhất có thể, bạn sẽ cần một chiếc TV có thể chiếu lên tới 120 khung hình mỗi giây (hay còn gọi là 120Hz).
Hầu hết các nội dung mà bạn xem, dù là phim hay chương trình truyền hình, đều được quay ở khoảng 30 khung hình/giây. Các trò chơi điện tử chất lượng cao thường ở mức 60 khung hình/giây. Vậy, chiếc TV chiếu 120 khung hình/giây sẽ làm gì giữa những khung hình đó? Một số TV sẽ cố gắng “đoán” những khung hình trung gian đó sẽ như thế nào, hay còn gọi là tính năng tự động làm mịn chuyển động, khiến sự chuyển động của vật thể trở nên thiếu tự nhiên. Những TV khác sẽ thực hiện lặp lại các khung hình, nên nếu một bộ phim được quay ở mức 30 khung hình/giây, mỗi khung hình sẽ được hiển thị 4 lần.
Tuy nhiên, hầu hết các bộ phim ngày nay đều được quay ở 24 khung hình/giây. Nếu bạn xem trên TV 60Hz, nó sẽ không thể lặp khung hình theo số lần nguyên, vì 60 không chia hết cho 24. Để khắc phục điều này, các nhà sản xuất TV sử dụng kỹ thuật có tên “3:2 pulldown” (thuật ngữ pulldown chỉ việc kéo thả một khung hình để nó nhân lên gấp đôi trong khi tốc độ vẫn không thay đổi. 3:2 là công thức thông dụng nhất, nhân khung hình thứ nhất 3 lần, rồi nhân khung hình thứ hai 2 lần, và cứ thế lặp lại cho đến khi bộ phim kết thúc) nhưng kỹ thuật này tạo nên hiệu ứng rung và có cảm giác không mượt. TV 120Hz không gặp phải vấn đề này, vì chúng lặp mỗi khung hình 5 lần (5*24=120). Bạn thậm chí còn có thể nghe nhiều nhân viên bán hàng quảng cáo rằng chuyển động sẽ còn mượt hơn nữa với TV 240Hz, nhưng trừ khi bạn xem nội dung 3D, bạn không thực sự cần đến nó.
Nói chung, tuy 4K là một công nghệ rất đáng giá, nhưng chính những đột phá kể trên mới là thứ khiến cho trải nghiệm giải trí của bạn trở nên trọn vẹn. Tất nhiên, một chiếc TV 4K có HDR, làm tối cục bộ, upscale chuẩn và tần số quét cao sẽ không hề rẻ, nhưng bạn sẽ không muốn tiết kiệm nếu đã quyết định nhảy vào cuộc chơi 4K đâu.