Những chiêu lừa đảo bitcoin phổ biến
Ví tiền điện tử giả, dịch vụ khai thác giả hay tiếp thị dạng đa cấp là những kiểu lừa mà người chơi bitcoin dễ bị “sập bẫy” nhất.
Nổi lên những năm gần đây, bitcoin ngày càng nhận được sự chú ý. Hiện tại, giá bitcoin đã vượt qua mức 7.000 USD mỗi đồng, thậm chí “đội” lên 13.500 USD tại Zimbabwe do bất ổn chính trị. Dữ liệu Google Trends cho thấy, số lượt tìm kiếm với từ khoá “mua Bitcoin” thậm chí vượt qua từ khoá “mua vàng”, cho thấy mức độ chú ý của tiền ảo này lớn đến mức nào.
Nhưng cũng chính vì điều đó, nhiều kẻ lừa đảo bắt đầu tìm ra cách thức nhằm đánh lừa những người đang chơi tiền ảo này. Dưới đây là những chiêu trò phổ biến nhất:
Ví bitcoin giả
Để có thể lưu trữ, gửi, nhận hoặc thanh toán bitcoin, người chơi buộc phải có ví. Có bốn loại ví tiền ảo chính, đó là ví điện tử, ví trên web, ví trên máy tính để bàn và ví cài trên điện thoại di động. Ví trên điện thoại di động được sử dụng nhiều nhất và đây cũng chính là mục tiêu của kẻ lừa đảo.
Cụ thể, kẻ gian tạo một ứng dụng ví giả giống như ví bitcoin uy tín, thường là Coinbase hay Mycelium. Chúng được làm giả hết sức tinh vi, giống với ví thật từ chức năng đến logo, sau đó tải lên cửa hàng ứng dụng. Một số sẽ lọt qua khâu kiểm tra an ninh của Apple đối với App Store hay Google với Play Store và nghiễm nhiên trở thành ứng dụng hợp pháp.
Nếu tải về, người dùng vô tình “dâng” tài khoản bitcoin cho kẻ gian mà không hề hay biết. Ban đầu, ví giả vẫn hoạt động bình thường nhưng khi số tiền được lưu trữ ở mức nhất định, nó sẽ “không cánh mà bay” vào ví của kẻ lừa đảo. Do đó, trước khi tải về ứng dụng ví tiền ảo, người dùng nên xem kỹ mức tin cậy của nó.
Dịch vụ khai thác bitcoin giả
Những thiết bị đào bitcoin hiện nay không hề rẻ và không phải ai cũng đủ tiền đầu tư chúng. Bên cạnh đó, việc lắp đặt và vận hành máy đào bitcoin tại nhà tốn kém và khó khăn là lý do nhiều nhà đầu tư tiền ảo tìm đến dịch vụ đào bitcoin thuê.
Kẻ gian đã lợi dụng điều này để lừa đảo, bằng cách lập ra các công ty dịch vụ cày bitcoin “ma” và mời gọi người thuê bằng chi phí thuê rẻ, lợi nhuận cao hơn so với nơi khác. Ban đầu, để tạo sự tin tưởng, chúng vẫn trả tiền cho người thuê bình thường. Nhưng khi “con mồi” đã vào tròng (mua những gói cao hơn), chúng sẽ ngưng trả tiền và biến mất cùng với số tiền nạn nhân đã đầu tư.
Theo thống kê của BTCManager, Hashinvest, Hashpoke, Cointellect, GAW Miners và HashOcean, GAW Miners và HashOcean là những dịch vụ lừa đảo bitcoin đã bị phanh phui. Riêng GAW Miners đã lừa đảo hơn 10 triệu USD và đang đối mặt với một vụ kiện tập thể từ phía các nạn nhân.
Thu hút đầu tư
Tương tự như lừa đảo bằng cung cấp dịch vụ khai thác bitcoin giả, nạn nhân thường được hứa trả lợi nhuận cao khi đầu tư vào dự án của họ. Thời gian đầu, nhà đầu tư vẫn được trả tiền như hứa hẹn, nhưng sau khi đã gom đủ tiền, kẻ gian sẽ đóng cửa hệ thống và “cao chạy xa bay”.
Hiện nay, đa số các nước trên thế giới (trong đó có Việt Nam) chưa chấp nhận bitcoin, cũng như luật pháp không bảo vệ người sở hữu tiền ảo này. Do đó, khi bị lừa đảo, nạn nhân gần như mất trắng toàn bộ số tiền đã đầu tư.
Lừa đảo bằng hình thức đa cấp
Việc tiếp thị đa cấp MLM (Multi Level Marketing) đã xuất hiện từ lâu, nhưng cũng bị lên án sau khi hàng loạt vụ lừa đảo kinh doanh theo dạng này xuất hiện. Gần đây, nó cũng được áp dụng vào tiền ảo bitcoin.
Cũng giống như các mô hình kinh doanh khác áp dụng MLM, giới chủ luôn hứa hẹn sẽ chi các khoản hoa hồng “kếch xù” khi giới thiệu sản phẩm thành công. Khoản tiền chi ra không phải là lợi nhuận công ty, mà từ bằng tiền của những người đầu tư sau. Cứ thế, khi số tiền phình to đến mức nhất định, nó sẽ biến mất cùng với kẻ lừa đảo.
Đánh cắp thông tin
Phishing là hình thức lừa đảo không mới, thường được sử dụng để đánh cắp thông tin người dùng. Với người đang sở hữu bitcoin, kẻ gian sẽ gửi một email, trong đó cảnh báo nguy hiểm về số tiền ảo đang có trong ví và yêu cầu phải rút ra bằng cách đăng nhập vào hệ thống thông qua liên kết đính kèm.
Nếu không bình tĩnh và đăng nhập, nạn nhân sẽ bị đánh cắp tài khoản và bị rút hết tiền mà không thể làm gì hơn. Do đó, cách tốt nhất là không nên nhận các email lạ, liên kết đáng ngờ… để tránh bị mất tiền.
(Theo sohoa.vnexpress.net)