Google đang nhượng bộ Netflix đề nghị chia sẻ doanh thu thấp hơn 30%
Động thái này được các chuyên gia cho rằng việc cắt 30% phí hoa hồng của Google chỉ là hành động “copy” từ chính sách của Apple.
Cả Google và Apple đều đang phải đối mặt với các vụ kiện lớn có liên quan tới việc tính phí phần trăm hoa hồng quá cao trên kho ứng dụng Play Store và App Store. Được biết, để các nền tảng dịch vụ sử dụng phương thức thanh toán trả phí trong ứng dụng (in-app purchase), các nhà phát triển sẽ phải cắt khoản phí 30% từ số tiền thu về cho Google và Apple. Các báo cáo cho thấy Apple thậm chí còn “đe doạ” các nhà phát triển không được sử dụng bất kỳ phương thức thanh toán bên ngoài nào khác nếu không muốn ứng dụng bị “bay màu” khỏi App Store.
Phản đối khoản phí hoa hồng 30% này, nhiều nhà phát triển có tiếng đã đệ đơn kiện chống lại Google và Apple. Một trong số đó phải kể tới Epic Games và cuộc chiến “đòi lại công bằng cho các nhà phát triển” hiện vẫn chưa đi tới hồi kết. Một vụ kiện tương tự chống lại Google mới đây cũng đã được chỉ ra, cáo buộc Google lạm dụng quyền lực và vị thế độc quyền.
Nhiều báo cáo có đề cập tới các nền tảng dịch vụ phổ biến như Netflix, Spotify hay Tinder đang cố gắng tìm ra tiếng nói chung với Google về khoản phí 30%. Việc các nền tảng như Netflix và Spotify lưu trữ dữ liệu thẻ thanh toán của người dùng đã khiến Google đăng tải một trang blog “làm rõ” rằng các ứng dụng trên Play Store buộc phải sử dụng hệ thống thanh toán trong ứng dụng cung cấp bởi Google, và các dịch vụ này có một năm để thay đổi nếu không sẽ bị “trừng phạt”.
Tài liệu khiếu nại không chỉ rõ Google đề nghị mức phí hoa hồng là bao nhiêu, nhưng khẳng định đây là một phần nỗ lực của Google nhằm ngăn chặn các nền tảng ứng dụng sử dụng phương thức thanh toán không thuộc sự kiểm soát của Google.
Mới chỉ tuần trước, có thông tin cho rằng Apple đang nhượng bộ và cho phép các nhà phát triển có thể sử dụng hệ thống thanh toán bên ngoài App Store, nhưng với điều kiện không được thông báo điều này trực tiếp với khách hàng trong ứng dụng mà phải thông qua email hoặc các phương tiện liên lạc khác. Điều này cho thấy có vẻ như cuộc chiến “đòi lại công bằng cho các nhà phát triển” đang có những diễn biến tích cực hơn.