8 lợi ích của việc cho trẻ em chơi game
Trò chơi điện tử không chỉ dạy trẻ sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề, làm lãnh đạo mà còn truyền cảm hứng tìm hiểu văn hóa, lịch sử.
Phụ huynh thường tập trung vào những rủi ro, nguy hiểm tiềm tàng hơn là lợi ích tiềm năng mà video game (trò chơi điện tử) mang lại. Dù thế nào, cha mẹ vẫn phải thừa nhận game là một phần tuổi thơ của lớp trẻ hiện đại.
Nếu bạn biết tìm video game phù hợp cho con, nó có thể trở thành công cụ đắc lực giúp trẻ phát triển kỹ năng sống. Chúng cũng có thể giúp phụ huynh gắn bó hơn với con, giúp các nhà giáo dục tìm ra phương pháp mới hỗ trợ việc giảng dạy và giúp các nhà làm game tạo ra trò chơi mang tính giáo dục cao.
Gần đây, TS Cheryl Olson, nhà tâm lý học công tác tại trường Y của Đại học Harvard đã viết một báo cáo liên quan đến động lực chơi game của trẻ, được đăng trên tạp chí Review of General Psychology. Báo cáo gồm các kết quả nghiên cứu do TS Cheryl Olson chỉ đạo thực hiện ở trường Y Harvard và dữ liệu khảo sát từ việc phỏng vấn trên 1.000 trẻ em ở lứa tuổi đi học. Nghiên cứu chỉ ra tám lý do cho thấy video game tốt cho sự phát triển của trẻ.
Dạy trẻ kỹ năng sáng tạo và giải quyết vấn đề
Trò chơi điện tử có thể giúp trẻ phát triển trí não. Khi quan sát con trai chơi một tựa game, TS Cheryl nhận ra con phải tìm kiếm, thương lượng, lập kế hoạch và thử các cách tiếp cận để vượt qua nhiều màn chơi trong game.
Hiện có nhiều game liên quan đến việc lập kế hoạch và giải quyết vấn đề, cũng có những game yêu cầu người chơi tùy chỉnh diện mạo của nhân vật và tự phát triển màn chơi mới, qua đó cho phép trẻ thể hiện sự sáng tạo dựa trên những tìm hiểu kỹ lưỡng về luật chơi, cấu trúc trò chơi cũng như những cách thức mới để làm bật lên sở thích, cá tính bản thân.
Video game không cứ phải gắn nhãn “giáo dục” thì mới giúp trẻ học được cách đưa ra quyết định, sử dụng chiến lược, dự đoán kết quả và thể hiện cá tính.
Truyền cảm hứng tìm hiểu về văn hóa, lịch sử
Nội dung của một số trò chơi nhất định có thể khuyến khích trẻ đọc và nghiên cứu. Một số game khiến trẻ quan tâm hơn đến lịch sử thế giới, địa lý, văn hóa cổ đại và quan hệ quốc tế. Với các game dạng này, trẻ còn học được thêm nhiều ngôn ngữ, nội dung, những thứ tốt cho việc học tập trong tương lai.
Giúp trẻ kết bạn
Trái ngược với cha mẹ, hầu hết trẻ xem trò chơi điện tử như một hoạt động xã hội chứ không đơn thuần là trò chơi độc lập. Video game tạo sân chơi chung cho những đứa trẻ kết bạn, cho phép chúng đi chơi và tạo ra khoảng thời gian mang tính xây dựng. Trong nghiên cứu của TS Cheryl, các bé trai thích chơi game với nhóm bạn có cùng sở thích và chúng thích trò chuyện với nhau về game hơn.
Khuyến khích vận động
Trong nghiên cứu của TS Cheryl, người chơi game (đặc biệt là nam) hay nói về những bước đi mới, chiêu thức mới trên sân bóng rổ, ở môn trượt ván… học được từ trò chơi điện tử về thể thao rồi đâm ra thích chơi thể thao ngoài đời thực.
Một cậu bé đã tiết lộ với nhóm nghiên cứu: “Trong các game mô phỏng thể thao, bạn thấy các nhân vật chơi rất điêu luyện. Nếu bạn thử chơi thật ở ngoài đời và cứ tập đi tập lại, bạn có thể chơi tốt hơn”.
Nghiên cứu cho thấy chơi các trò điện tử về các môn thể thao thực tế sẽ giúp tăng thời gian chơi thể thao và tập thể dục trong cuộc sống thực.
Cho phép trẻ chia sẻ niềm vui và sự cạnh tranh
Cạnh tranh để có được sự công nhận, tưởng thưởng là bình thường và lành mạnh với trẻ, đặc biệt là bé nam. Trong cuộc khảo sát của TS Cheryl cùng nhóm nghiên cứu với những nam sinh tuổi teen, hầu hết thừa nhận thích cạnh tranh với người khác và giành chiến thắng. Đó là lý do phổ biến nhất để chơi game.
Video game là nơi an toàn để thể hiện khao khát cạnh tranh, ganh đua và có thể cung cấp cho những đứa trẻ không có thể chất, khả năng chơi thể thao tốt có cơ hội cạnh tranh và giải trí với bạn bè.
Trao cho trẻ cơ hội làm lãnh đạo
Khi chơi game theo nhóm, trẻ thường thay phiên nhau đảm nhận vị trí lãnh đạo tùy thuộc vào kỹ năng cụ thể cần thiết trong trò chơi đó. Trong nghiên cứu của Nick Yee thuộc Trung tâm Nghiên cứu Palo Alto, những thanh thiếu niên đã chơi video game theo nhóm cảm thấy đã đạt được các kỹ năng lãnh đạo như thuyết phục, động viên người khác và hòa giải.
Cung cấp cơ hội giảng dạy
Khoảng 1/3 trẻ em được khảo sát nói rằng chơi game một phần vì thích dạy cách chơi cho người khác. Một số trẻ được bạn khen ngợi vì thường xuyên tự tìm ra cách để vượt qua đoạn khó trong game và dạy lại cho mọi người. Việc giảng dạy này giúp trẻ xây dựng kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xã hội cũng như sự kiên nhẫn.
Giúp bố mẹ và con cái gần lại với nhau hơn
TS Cheryl kể lại câu chuyện gần đây, bà thấy một cô bé 10 tuổi dạy mẹ cách chơi game âm nhạc với dụng cụ hỗ trợ là chiếc điều khiển giống hệt chiếc guitar thật. Tình cờ, game lại có một số bài hát yêu thích từ thời tuổi teen và những năm tháng học đại học của bà mẹ. Nó khiến cô thấy tò mò và bị thu hút bởi game này.
Điều tuyệt vời nhất là bà mẹ thấy con gái trở thành một tay chơi game guitar sành sỏi rồi chia sẻ lại những kỹ năng chơi game cho mình – một sự thay đổi vị trí giữa cha mẹ và con cái.
Hiện, một số tựa game và hệ thống game đã trở nên thân thiện hơn với người chơi mới làm quen. Thế nên, cha mẹ và con cái có thể chia sẻ thời gian chơi game cùng nhau nhiều hơn. Điều này giúp việc tâm sự, trò chuyện giữa cha mẹ và con cái trở nên tự nhiên, dễ dàng hơn.