1.504 cuộc tấn công mạng diễn ra trong hai tháng đầu năm 2018
Trong số 1.504 sự cố mạng 2 tháng đầu năm, có 218 sự cố các website lừa đảo, 962 sự cố tấn công thay đổi giao diện (6 sự cố liên quan đến tên miền .gov.vn. Phần lớn đã được khắc phục) và 324 sự cố phát tán mã độc (hơn 2/3 trang web đã được khắc phục).
Theo thống kê của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), các sự cố mạng tại Việt Nam tăng mạnh trong năm 2017. VNCERT cho biết năm 2017 đã có 13.382 sự cố tấn công mạng vào Việt Nam có 3 loại hình gồm tấn công lừa đảo (Phishing), tấn công mã độc (Malware) và tấn công thay đổi giao diện (Deface), trong đó 6.400 trường hợp tấn công Malware; 4.377 trường hợp Deface và 2.605 trường hợp Phishing. Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2018, đã có hơn 1.500 sự cố tấn công mạng vào Việt Nam, với 962 sự cố Deface, 324 sự cố tấn công Malware và 218 sự cố Phishing.
Ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Giám Đốc VNCERT nhận định, với tính chất và quy mô của các cuộc tấn công mạng như hiện nay, vài trò thống nhất và khả năng huy động nguồn lực tham gia ứng cứu là vô cùng quan trọng vì không một quốc gia, tổ chức nào có thể đơn độc tự mình ngăn chặn được vấn đề về tấn công mạng hoặc hệ thống thông tin. Có những sự cố mạng do tin tặc có thể huy động hàng chục ngàn thiết bị, máy tính cùng tham gia tấn công. Do đó, rất cần đến vai trò của một cơ quan điều phối quốc gia có khả năng huy động nguồn lực từ nhiều tổ chức, nhiều quốc gia để chống lại các cuộc tấn công.
Ngoài ra, xu thế phát triển rất mạnh hiện nay về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên 3 trụ cột chính là kỹ thuật số, công nghệ sinh học, vật lý với phần lõi là trí tuệ nhân tạo, IoT, Big Data, máy in 3D, Robot… Việc bùng nổ các thiết bị IoT và việc phát triển rộng rãi thành phố thông minh, nông nghiệp thông minh… cũng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ tấn công và bị lợi dụng để tấn công vào các hạ tầng thiết bị IoT để có thể đánh cắp thông tin, dữ liệu giá trị.
Trong bối cảnh đó, đại diện Trung tâm VNCERT khuyến nghị, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần quan tâm đến việc triển khai các nhóm giải pháp đảm bảo an toàn thông tin mạng, bao gồm: nâng cao nhận thức về an toàn thông tin; ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác an toàn thông tin mạng; Chú trọng áp dụng các quy trình, quy định và chuẩn quốc tế về an toàn thông tin; tăng cường các giải pháp dự phòng rủi ro, phòng ngừa tấn công mạng; xây dựng phương án ứng cứu khẩn cấp sự cố; tham gia mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia; xây dựng đội ngũ cán bộ an toàn thông tin mạng; và thường xuyên đào tạo, huấn luyện, diễn tập về an toàn thông tin mạng.